ATP Finals: Djokovic & những dấu hỏi về giải “bát hùng”
Giải đấu bát hùng tại London đã khép lại với nhiều câu hỏi lớn.
“Chỉ” giành được 1 Grand Slam trong năm 2014 nhưng không ai có thể phủ nhận mùa giải năm nay là của Nole. Tay vợt Serbia đã chơi với phong độ khủng khiếp tại ATP World Tour Finals cho đến khi gặp phải đôi chút khó khăn từ Nishikori ở bán kết.
Tuy nhiên chiến thắng 6-1 và 6-0 trong set đầu và cuối trước tay vợt tiến bộ người Nhật Bản đã cho thấy đẳng cấp của Djokovic. Sau trận đấu, Nishikori đã phải thốt lên rằng “một khi chơi với phong độ cao nhất, Djokovic có thể đánh bại mọi đối thủ”.
Sự thống trị của Nole gần như đã đạt đến tuyệt đối nếu trận chung kết giữa anh và Federer không bị hủy bỏ. Djokovic có lý do để tiếc nuối nhưng anh vẫn cười, bởi ngôi số 1 thế giới sẽ còn trong tay một thời gian dài nữa (cho đến khi Federer hồi xuân và Nadal trở lại).
Djokovic tiếc vì không được đánh trận chung kết trong mơ với Federer
Chưa xứng danh “bát hùng”
Một giải đấu quy tụ các tay vợt hàng đầu thế giới, những người đã gặt hái được vinh quang lớn trong một năm thi đấu, đã diễn ra không được như mong đợi trên khía cạnh chuyên môn. Trong số 12 trận đấu đã diễn ra, chỉ 2 trận kết thúc với 3 set đấu, còn lại các tay vợt đều giải quyết bằng thắng lợi 2-0 trắng.
Chưa dừng lại ở đó, 19 trong số 26 set đấu đã kết thúc với tỷ số 6-3 hoặc có cách biệt lớn hơn (6-2, 6-1, 6-0) và phân nửa các trận đấu chỉ kéo dài trong vòng 75 phút hoặc ít hơn. Những con số khiến nhiều người không khỏi hoài nghi về mức độ cạnh tranh cũng như tinh thần quyết chiến của các tay vợt tại giải đấu.
Rất nhiều trong số họ như Murray đã chiến đấu bằng hết sức mình để góp mặt ở London nhưng sau đó thi đấu không thực sự thành công. Hay phải chăng, Federer và Djokovic đã tạo ra cảm giác bất lực cho các đối thủ, khiến họ xác định “buông” khi đối đầu ở vòng bảng nhằm dành sức cho các trận khác. Trả lời về câu hỏi này, Djokovic chỉ đáp ngắn gọn: “Thể thao là như vậy”.
Federer và Wawrinka vượt qua bất đồng
Câu chuyện về những rắc rối giữa 2 tay vợt Thụy Sĩ đã trở thành chủ đề nóng trong những ngày qua. Có nhiều cơ sở để tin rằng giữa họ đã có những bất đồng nhất định khi Wawrinka lên tiếng chỉ trích vợ của Federer còn “Tàu tốc hành” sau đó chỉ có vài lời phát biểu trong trận chung kết, chứ không tham dự buổi họp báo.
Federer – Wawrinka cống hiến 1 trận đấu hay và nhiều rắc rối sau đó
Tuy nhiên những va chạm hay bất đồng như thế không thiếu trong thể thao cũng như cuộc sống và họ với tư cách của các VĐV chuyên nghiệp thừa hiểu phải biết làm gì. Hình ảnh mới nhất của Federer chụp chung với Wawrinka trong đội tuyển tennis Thụy Sĩ cho thấy họ đã sẵn sàng để gạt bỏ những bất đồng (nếu có) để chung tay vì mục tiêu chung – đem chiếc cúp về cho Thụy Sĩ.
Bài học về sự chuyên nghiệp
Nhắc đến khía cạnh chuyên nghiệp trong thể thao, quyết định từ chối lời mời dự giải trong vai trò dự bị của Grigor Dimitrov đã gây ra nhiều tranh cãi. Anh bảo: “Nếu tôi dự giải đó là vì tôi xứng đáng góp mặt, chứ không phải chờ đợi ai đó chấn thương để vào sân.”
Tay vợt người Bulgaria từ chối góp mặt để dành thời gian bên người tình Sharapova nhưng David Ferrer đã không bỏ qua. Ở tuổi 32 nhiều hơn Dimitrov 9 tuổi cũng đạt được nhiều danh hiệu hơn tay vợt trẻ nhưng Ferrer vẫn sẵn sàng có mặt ở London và bước vào trận đấu với Nishikori (thay cho Raonic) với quyết tâm cao nhất.
Phải chăng cái tôi của Dimitrov quá lớn để anh khước từ cơ hội góp mặt ở giải đấu ai cũng muốn tham gia, còn Ferrer một tay vợt lão luyện lại sẵn sàng gạt bỏ những suy nghĩ khác để cống hiến cho khán giả…