Bậc thầy của những bậc thầy tennis chính là Novak Djokovic

28 tuổi, sở hữu 28 danh hiệu Masters 1.000, vậy thì, tính cho đến thời điểm này, nếu không gọi “Nhà vua ATP” Novak Djokovic là “Bậc thầy của Masters” (The Master of Masters), hoặc là “Bậc thầy của những bậc thầy”, thì có lẽ, người ta cũng không còn biết nên gọi anh theo kiểu biệt danh nào khác nữa.

Bậc thầy của những bậc thầy tennis chính là Novak Djokovic

Anh có thể vẫn chưa phải là “Bậc thầy của Grand Slam” như Roger Federer, Rafael Nadal hay Pete Sampras, nhưng ở đấu trường Masters 1.000, anh là “độc nhất vô nhị”, là người giữ vai “cửu ngũ chí tôn”, là một Djokovic không thể nào nhầm lẫn, và không có giới hạn… cực đại.

“The Masters of Masters”
Rafael Nadal từng giữ cái vị trí độc tôn này, như kiểu “vạch đôi sơn hà, phân chia lãnh địa” cùng với Roger Federer, người được xem là “huyền thoại của những huyền thoại ở đấu trường Grand Slam. Nhưng giờ đây, sức ảnh hưởng của tay vợt cựu số 1 thế giới người Tây Ban Nha đã vụt trở thành cũ kỹ.

Với chiến thắng quá dễ dàng trước Kei Nishikori ở trận chung kết Key Biscayne – Miami Masters 2016, chiến thắng thế một chiều với điểm số 6/3 trong cả 2 ván đấu, Djokovic đã vươn lên trở thành người sở hữu nhiều danh hiệu Masters nhất trong lịch sử – với 28 danh hiệu. Đây cũng là danh hiệu Miami Masters lần thứ 3 liên tiếp và là lần thứ 6 trong sự nghiệp của Nole, giúp anh cân bằng kỷ lục của “tiền bối” Andre Agassi.

Nhưng nên nhớ rằng, cũng chính Djokovic là người duy nhất trong lịch sử từng 4 lần giành “cú đúp” Indian Wells – Key Biscayne trong cùng một mùa giải. Ở 2 giải đấu Masters 1.000 được mệnh danh là những giải “tiểu Grand Slam”, Djokovic đang có năng lực thống trị tuyệt đối. Ở đấu trường Masters 1.000 nói chung, anh đáng được xưng tụng là “Bậc thầy của Masters”, hoặc: “Sư phụ của các… giải đấu sư phụ”. Sẽ là không đủ mỹ từ đề ca ngợi về chiến công trong ngày hôm qua của tay vợt số 1 thế giới người Serbia, và có lẽ, sẽ mãi mãi không bao giờ là đủ.

Bậc thầy của… tiền thưởng

Chưa hết, với tổng giá trị tiền thưởng là 1,03 triệu USD dành cho nhà vô địch đơn nam của giải Key Biscayne 2016, Djokovic cũng chính thức vượt mặt tay vợt cựu số 1 thế giới người Thụy Sĩ để trở thành tay vợt kiếm tiền thưởng số 1 trong lịch sử của ATP World Tour. Hiện tại, tổng số tiền mà Djokovic kiếm được sau khi “thảo phạt” hàng loạt đối thủ, “chinh phục” hàng loạt giải đấu lớn – nhỏ đã lên đến con số 98.199.548 USD. Trong khi đó, tổng số tiền thưởng mà Federer giành được trong quãng thời gian chơi bóng chuyên nghiệp vốn dài hơi hơn rất nhiều “chỉ là” 97.855.881 USD.

Như vậy, hiện tại, Djokovic chỉ còn cách cột mốc kiếm tiền thưởng “vô tiền khoáng hậu” 100 triệu USD đúng vài chiến thắng nữa, anh chỉ cần “cày cuốc” thêm khoản tiền thưởng là 1.800.452 USD và biết đâu, ngay trước khi Roland Garros năm nay khởi tranh – danh hiệu Grand Slam duy nhất mà anh vẫn còn thiếu trong bộ sưu tập, Djokovic đã trở thành “người đầu tiên ở địa cầu” chạm cột mốc 100 triệu USD tiền thưởng trong lịch sử của ATP World Tour? Với thế trận “chẻ tre” như thế này, khó ai cản nổi Djokovic. Vấn đề chỉ là, chừng nào anh lại quyết định tiếp tục đi vào lịch sử, quyết định biến những cựu thế lực như là Federer, Nadal, Sampras… trở thành “những cựu kỷ lục gia”.

tennis